Thẩm quyền gỡ bỏ lịch sử nợ xấu

Admin
(Chinhphu.vn) - Theo phản ánh của bà Đoàn Thị Bảo Ngọc (TPHCM), trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, nơi ở của bà Ngọc bị phong tỏa , nguồn thu nhập bị gián đoạn, bà không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng và cũng không thể làm đơn đề nghị cơ cấu lại khoản nợ.

Ngân hàng không thể đánh giá tình hình thu nhập của bà Ngọc để phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ. Bởi vậy, khoản nợ của bà Ngọc đã trở thành nợ xấu. Sau khi TPHCM hết phong tỏa, bà Ngọc đã thu xếp đóng hết phần gốc/lãi quá hạn và làm đơn đề nghị xin được chuyển về nhóm 1, xoá lịch sử nợ xấu. Tuy nhiên, bà được ngân hàng thông báo không đủ điều kiện do khoản vay của bà giải ngân trước ngày 10/6/2020.

Thông tin về lịch sử nợ xấu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh trong tương lai của bà. Bà Ngọc đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn cách xử lý đối với trường hợp bất khả kháng trong thời kỳ dịch bệnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1 Điều 7 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:

"Điều 7. Quyền tự chủ hoạt động

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".

Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước quy định tại một số điều

Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có giải thích từ ngữ:

"Tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tự nguyện) bao gồm:

a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;

b) Tổ chức trong và ngoài nước tham gia tài trợ tín dụng tại Việt Nam hoặc có nhu cầu cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tại nước ngoài;

c) Tổ chức khác có nhu cầu tham gia hệ thống thông tin tín dụng và được CIC chấp thuận".

- Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN về cung cấp thông tin tín dụng quy định:

"2. Tổ chức tự nguyện thực hiện cung cấp cho CIC toàn bộ hoặc một phần Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này trên cơ sở thỏa thuận với CIC, bảo đảm nguyên tắc an toàn, bảo mật và quy định khác của pháp luật".

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN về xử lý, lưu giữ, bảo mật dữ liệu thông tin tín dụng

"1. Trên cơ sở thông tin thu nhận, CIC sử dụng các giải pháp công nghệ, nghiệp vụ để xử lý dữ liệu thông tin tín dụng bao gồm các khâu tiếp nhận, chuẩn hóa, làm sạch, ghép nối và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Thông tin tín dụng quốc gia.

… 3. Việc xử lý, lưu giữ dữ liệu thông tin tín dụng phải bảo đảm tính toàn vẹn, đầy đủ, không bị sai lệch thông tin trong quá trình xử lý, lưu giữ và chiết xuất được khi có yêu cầu.

4. Dữ liệu thông tin tín dụng phải được bảo mật, bảo đảm không bị xâm nhập trái với quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật.

Điều 15 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng:

"1. Cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật và các cam kết với CIC.

2. Kiểm tra, xác minh, điều chỉnh dữ liệu sai sót theo yêu cầu của CIC, khách hàng vay hoặc khi phát hiện sai sót".

Điều 18 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN về giải quyết khiếu nại:

"1. Trường hợp khách hàng vay phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, khách hàng vay có quyền khiếu nại với CIC, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức tự nguyện (sau đây gọi là tổ chức tiếp nhận khiếu nại) để yêu cầu kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin, nhưng không được lợi dụng khiếu nại sai sự thật.

Việc khiếu nại có thể thực hiện qua hệ thống điện tử hoặc gửi bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu, căn cứ chứng minh dữ liệu có sai sót.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay biết. Trường hợp cần bổ sung thông tin để có cơ sở xác minh, giải quyết, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo để khách hàng vay cung cấp thông tin, tài liệu liên quan.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại hợp lệ, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải xem xét, điều chỉnh dữ liệu sai sót và thông báo cho khách hàng vay biết. Trường hợp phải thực hiện việc kiểm tra, xác minh nội dung yêu cầu khiếu nại tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức tiếp nhận khiếu nại được kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại theo tình hình thực tế nhưng phải thông báo cho khách hàng vay biết về nguyên nhân kéo dài thời gian.

4. Trường hợp thông tin tín dụng bị sai sót gây bất lợi cho khách hàng vay, CIC phải gửi thông báo đính chính sai sót cho đơn vị sử dụng. Khi nhận được thông báo đính chính sai sót, đơn vị sử dụng phải xem xét lại quyết định cấp tín dụng.

5. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại, tổ chức tiếp nhận khiếu nại phải thông báo cho khách hàng vay về kết quả giải quyết khiếu nại".

Thẩm quyền giải quyết của CIC tiếp nhận thông tin, rà soát nếu phát hiện hoặc nghi ngờ dữ liệu có sai sót, CIC phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tự nguyện để xem xét, điều chỉnh dữ liệu. Tổ chức tự nguyện có trách nhiệm cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin theo phụ lục đính kèm Thông tư.

Do vậy, những thông tin về tính chính xác của hợp đồng tín dụng, phân loại nợ khách hàng, thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ chức tín dụng nơi công dân phát sinh khoản vay.

Việc xin gỡ bỏ lịch sử nợ xấu thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng mà công dân phát sinh khoản vay.

Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của tổ chức tín dụng công dân có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự.

Chinhphu.vn