• Pháp luật

Chủ nhật, 7/7/2019, 07:49 (GMT+7)

Sau cái chết của cô gái 28 tuổi, người Mỹ mới nhận ra sự cần thiết của số điện thoại tiếp nhận tin báo khẩn cấp.

3h sáng 13/3/1964, cô gái 28 tuổi Kitty Genovese xuống xe đi về căn hộ chung cư tại thành phố New York, Mỹ thì bị người đàn ông lạ mặt tấn công từ phía sau. Sau khi đâm nạn nhân hai nhát, kẻ gây án bỏ đi. 

10 phút sau, người đàn ông quay lại lùng sục, tiếp tục đâm và hiếp dâm nạn nhân, lấy đi 49 USD. Một tiếng sau lần tấn công đầu tiên, cảnh sát mới tới nơi đưa nạn nhân tới bệnh viện. Kitty qua đời trên xe cấp cứu. 

Sáu ngày sau án mạng, cảnh sát bắt Winston Moseley vì có chiếc xe giống với mô tả của nhân chứng. Nghi phạm mau chóng nhận tội, khai không quen biết nạn nhân. Winston bị tuyên án chung thân và chết trong trại giam.

Một bài báo khi ấy đưa tin 38 người cùng khu chung cư biết về cuộc tấn công nhưng không ai giúp Kitty vì sợ liên lụy. Năm 2016, tòa soạn báo thừa nhận rằng chi tiết trên là sai lệch và phóng đại. Trên thực tế, không ai biết trọn vẹn cuộc tấn công, chỉ một số ít nhận ra đây là tiếng kêu cứu và có hai người đã gọi cảnh sát. 

Tuy đưa tin sai, bài báo gốc vẫn gây chấn động toàn nước Mỹ vào lúc bấy giờ. Nhiều người thấy ghê sợ vì sự vô cảm, số khác bất bình vì cảnh sát phản ứng chậm. Nhưng thực tế, vấn đề tốc độ phản ứng của lực lượng chức năng không phải bài toán của riêng thành phố New York mà của toàn nước Mỹ.

Trước những năm 1960, Mỹ không có đường dây tiếp nhận tin báo khẩn cấp thống nhất trên cả nước. Khi tội phạm hoặc hỏa hoạn diễn ra, người gọi phải biết rõ số điện thoại của từng cơ quan trong khu vực họ sống, hoặc phải chờ tổng đài chuyển số tới cơ quan tương ứng. Ví dụ, thành phố Los Angeles có 50 phòng cảnh sát khác nhau có số điện thoại riêng của mình. Ngoài ra, cuộc gọi cũng sẽ bị trì hoãn nếu nhân viên tiếp nhận đang bận xử lý tin báo khác. 

Để sự việc thương tâm như Kitty không còn diễn ra, nhiều quan chức tại địa phương đã cùng chung sức trong chiến dịch mang tầm quốc gia nhằm kêu gọi xây dựng quy trình phản ứng khẩn cấp thống nhất. Tới năm 1967, ba năm sau vụ án, Ủy ban chấp pháp và tư pháp dưới sự chỉ đạo của tổng thống Lyndon Johnson ra báo cáo kết luận cả nước cần thiết lập số điện thoại khẩn cấp duy nhất.

Ủy ban thương mại liên bang Mỹ sau đó hợp tác với công ty truyền thông AT&T để chọn số điện thoại cho đường dây khẩn cấp này. Theo đề xuất AT&T, con số 911 được chọn vì không bị trùng mã vùng hoặc mã dịch vụ, dễ nhớ, ngắn gọn nên có thể được quay số nhanh, đặc biệt là trong thời đại điện thoại quay số vẫn còn thịnh hành. 

Tới năm 1968, quốc hội Mỹ ban hành đạo luật công nhận 911 là số điện thoại khẩn cấp quốc gia. Chính phủ Mỹ theo đó cũng thành lập cơ quan trung ương nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cho hệ thống 911. Ngày 16/2/1968, cuộc gọi 911 đầu tiên được thực hiện bởi thượng nghị sĩ bang Alabama tên Rankin Fite. 

Sau khi được giới thiệu, hệ thống 911 mau chóng được mở rộng khắp Mỹ với tốc độ bao phủ nhanh. Năm 1979, chỉ khoảng 26% người dân Mỹ được tiếp cận dịch vụ 911, tới năm 1999 dịch vụ 911 đã được phủ sóng tới 93% dân số và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.

Quốc Đạt (Theo Biography, The New York Times, Huffington Post)